Tập đoàn Thiên Minh, chủ sở hữu của thương hiệu đặt phòng khách sạn trực tuyến iVIVU.com, vừa công bố khoản đầu tư 32 triệu USD cho 5 khách sạn mới tại Việt Nam, cũng như thương vụ mua lại 89% cổ phần của Hãng hàng không Hải Âu. Thực hư về sự đầu tư mang tính chiến lược này của TMGroup mà cụ thể hơn là iViVu là như thế nào, mời bạn đọc qua bài viết dưới đây.
Khoản đầu tư mang tính chiến lược
Tập đoàn Thiên Minh (TMG) vừa công bố khoản đầu tư hơn 32 triệu USD cho 5 khách sạn mới tại Việt Nam bằng phương thức mua bán sáp nhập (M&A). Chiến lược này vẫn được xác định là cốt lõi của Thiên Minh trong thời gian tới.
“Cứ 2-3 năm, nên cho ra đời một khách sạn mới hoặc những dịch vụ mới”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh (TMG) từng nói như vậy sau khi chốt vụ mua chuỗi 6 khách sạn Victoria trị giá 45 triệu USD hồi đầu năm 2011.
Gần 3 năm sau, tuy mới ở tuổi 43, nhưng mái tóc của ông Kiên đã bạc quá nửa. Duy chỉ có một điều không thay đổi là độ nhạy bén trong đôi mắt ẩn sau cặp kính cận khá dày của một cựu sinh viên trường Y. Nhà lãnh đạo cao nhất của TMG đã giữ đúng cam kết: tiếp tục đầu tư thêm 5 khách sạn mới tại Việt Nam (2 khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao).
Với quy mô phát triển này, tầm vóc của TMG sẽ không dừng lại ở mức hơn 2.000 nhân viên cùng tổng doanh thu xấp xỉ 1.400 tỉ đồng như hiện nay. Dự kiến, đầu năm sau, khi chuỗi 13 khách sạn của TMG đi vào hoạt động, cùng với sự giúp sức của mảng dịch vụ lữ hành và dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến iVIVU.com, tập đoàn này có thể sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong ngành du lịch Việt Nam. Hiện tại, thương hiệu hàng đầu là Saigon Tourist, một doanh nghiệp quốc doanh, nắm trong tay 63 khách sạn (gần gấp 6 lần TMG), khu du lịch và 6 công ty lữ hành.
Câu trả lời của ông Kiên tại buổi phỏng vấn gần đây với NCĐT là “phải M&A và liên tục đánh thẳng vào ngách”. Ông cũng khẳng định TMG đang hoạt động với bản chất của mô hình holding: rót vốn, hỗ trợ chiến lược và nhân sự cho các công ty con nhằm đạt chuẩn quốc tế về quản trị, tài chính.
Gần 3 năm sau khi TMG mua chuỗi khách sạn Victoria, thành công lớn nhất đối với bên mua là gì?
Thay vì xây mới khách sạn, việc mua lại, đặc biệt là mua dạng chuỗi, sẽ tạo ra nhiều thuận lợi. Kết quả hiện nay không nằm ngoài dự báo của chúng tôi. Sau M&A, TMG đã mất hơn 1 năm để ổn định hoạt động của toàn chuỗi Victoria. Sau đó, với khoản đầu tư thêm 2,5 triệu USD để nâng công suất phòng, nhân sự, công nghệ và tiếp thị, đến nay, chuỗi khách sạn Victoria đã tạo ra mức lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi suất (EBITDA) gấp đôi so với trước khi sáp nhập.
Trước đây, có ý kiến cho rằng việc mua 100% chuỗi Victoria là khá rủi ro vào thời điểm đó do kinh tế sụt giảm mạnh và lượng du khách tới Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhưng phải nắm bắt cơ hội ngay tại thời điểm khủng hoảng thì mới tạo được khác biệt so với đối thủ. Chính việc sở hữu chuỗi 6 khách sạn Victoria đã góp phần giúp TMG phục vụ hơn 250.000 du khách trong nước và quốc tế mỗi năm, cùng mức doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng hiện nay. Tiếp đến, sự lớn mạnh của thương hiệu TMG đã thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong lẫn ngoài nước về đầu quân. Sau cùng, sự tích hợp giữa 3 mảng kinh doanh chủ lực là lữ hành, khách sạn và dịch vụ đặt phòng trực tuyến đã tạo ra mức tăng trưởng hằng năm từ 25-30% của TMG so với mức tăng bình quân khoảng 10-15% của thị trường.