Ngày 09/09/2017, Cô-oét đã kỷ niệm 3 năm ngày Liên hiệp quốc vinh danh Cô-oét là Trung tâm Nhân đạo toàn cầu và Quốc vương Cô-oét Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah là Nhà hoạt động nhân đạo tiên phong nhằm công nhận những nỗ lực trong việc hỗ trợ hoạt động từ thiện dành cho những người nghèo khổ trên toàn thế giới. Thông qua chính sách ngoại giao nhân đạo, Nhà nước Cô-oét đã được cộng đồng thế giới và các tổ chức quốc tế có liên quan biết đến về những nỗ lực nhân đạo của Cô-oét và cá nhân Quốc vương nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Liên hiệp quốc vinh danh Cô-oét là Trung tâm Nhân đạo toàn cầu
Ngày 09/09/2014, Liên hiệp quốc đã tổ chức một buổi lễ vinh danh và trao tặng Nhà nước Cô-oét danh hiệu Trung tâm nhân đạo toàn cầu và Quốc vương Cô-oét là Nhà hoạt động nhân đạo tiên phong. Tại buổi lễ vinh danh, nguyên Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã ca ngợi những nỗ lực của Quốc vương Cô-oét, người đã đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ các tổ chức quốc tế giải quyết những vấn đề như sự nghèo khó, chiến tranh và thảm họa thiên tai trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah, Cô-oét đã cho thế giới thấy được tinh thần nhân đạo đặc biệt cao cả và mặc dù chỉ là một quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng trái tim nồng ấm của Quốc vương và người dân Cô-oét còn lớn hơn các cuộc khủng hoảng, nghèo đói và bệnh tật. Nhờ Quốc vương Cô-oét, những sáng kiến nhân đạo do Nhà nước Cô-oét đề xuất đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế tập hợp thêm nhiều sự hỗ trợ giúp cho Liên hiệp quốc có thể thực hiện thành công sứ mệnh nhân đạo của mình.
Các tổ chức nhân đạo và các ủy ban gây quỹ của Cô-oét chính là một ví dụ về sự hỗ trợ không ngừng đối với các dự án nhân đạo tại Châu á và Châu Phi, với các sáng kiến cá nhân đã trở thành minh chứng sáng ngời về lòng bác ái của người dân Cô-oét. Quỹ Cô-oét về Phát triển Kinh tế Ả rập (KFAED) được thành lập năm 1961 là sự thể hiện của mong muốn chân thành của Cô-oét trong việc trợ giúp các quốc gia Ả rập và các quốc gia thân thiện khác thông qua việc cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp cho các nước đạt được mục tiêu phát triển của họ.
Tổng giá trị các khoản vay do KFAED cung cấp cho 103 quốc gia trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đạt đến con số 17,6 tỉ đôla Mỹ, chiếm khoảng 1,2% tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Cô-oét, vượt qua con số 0,7% GNI do Liên hiệp quốc xác định vào năm 1970 như một chỉ số về viện trợ phát triển chính thức được cung cấp bởi các quốc gia phát triển.
Thông qua nhiều sự kiện khác nhau, Quốc vương Cô-oét đã đưa đất nước của mình trở thành một quốc gia tiên phong về lòng bác ái và trong các sáng kiến nhân đạo quốc tế, cùng với việc đưa Cô-oét trở thành trung tâm hàng đầu tiếp nhận các sáng kiến liên quan đến hoạt động nhân đạo. Ông cũng rất quan tâm tới việc tham gia trực tiếp vào các cuộc hội thảo liên quan đến công việc nhân đạo. Tháng 5/2016, Quốc vương Cô-oét cùng phái đoàn tới từ Cô-oét tham dự Hội nghị thượng đỉnh thế giới về hành động nhân đạo tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong những năm qua, Cô-oét đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho hành động nhân đạo. Kể từ năm 2014, Diễn đàn hành động nhân đạo quốc tế Cô-oét đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan chính phủ, dân sự và các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và các tình nguyện viên trong nước và quốc tế để đạt được những mục tiêu chung phục vụ cho công việc nhân đạo.
Thông qua Hội trăng lưỡi liềm đỏ Cô-oét, Nhà nước Cô-oét đã hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Sudan năm 2016. Tại Tanzania, 35 giếng nước đã được xây dựng từ cuối năm 2016 tới hết tháng 7/2017 là một phần trong nỗ lực triển khai sáng kiến “Giếng nước cho mỗi trường học” dành cho các quốc gia Châu Phi, cùng với sáng kiến “Một phòng thí nghiệm cho mỗi trường học” nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục.
Những nỗ lực hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai của Cô-oét còn mở rộng cho các quốc gia không thuộc khối Ả rập khác. Năm 2007, Nhà nước Cô-oét đã viện trợ 10 triệu đôla Mỹ cho Bangladesh nhằm giúp đỡ cho những nạn nhân của trận lốc xoáy xảy ra tại quốc gia này khiến hàng nghìn người chết và bị thương. Sau khi Nhật Bản chịu thiệt hại nặng sau động đất và sóng thần xảy ra tháng 3/2011, Quốc vương Cô-oét đã viện trợ cho Nhật Bản 5 triệu thùng dầu thô tương đương với 500 triệu đôla Mỹ. Thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Cô-oét cũng viện trợ 250 nghìn đôla Mỹ để giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết hậu quả của trận động đất năm 2012.
Năm 2014, Nhà nước Cô-oét cũng đã viện trợ 10 triệu đôla Mỹ nhằm giúp đỡ người dân Philippine bị ảnh hưởng bởi bão gây tổn thất nặng nề cho đất nước này. Tháng 8/2014, Cô-oét viện trợ khoản tiền trị giá 5 triệu đôla Mỹ nhằm giúp Tổ chức y tế thế giới (WHO) giải quyết cuộc khủng hoảng của dịch bệnh Ebola. Trong năm 2017, những nỗ lực nhân đạo của Cô-oét vẫn tiếp tục được triển khai, đặc biệt là tại các quốc gia Ả rập chịu tác động bởi khủng hoảng.
Nhân chuyến thăm tới Cô-oét tháng 8/2017, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng đã ca ngợi vai trò quan trọng và những nỗ lực không ngừng của Nhà nước Cô-oét và Quốc vương Cô-oét trong việc thúc đẩy hoạt động nhân đạo. Sự vinh danh của Liên hiệp quốc dành cho Nhà nước và Quốc vương Cô-oét đã nhận được sự tán thành của lãnh đạo các quốc gia, các quan chức của các tổ chức trong nước, quốc tế cùng các cá nhân đã tích cực đóng góp cho những nỗ lực nổi bật của Cô-oét trong hoạt động nhân đạo quốc tế.
Nguồn: kuwaitconsulate-hochiminh.com