Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Kuwait đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực này trao đầy đủ các quyền chính trị cho phụ nữ.
Phụ nữ Kuwait được tham gia bỏ phiếu bầu cử của Quốc hội
Động thái này sẽ mở đường cho phụ nữ Kuwait được đi bầu cử, tham gia tranh cử cũng như có thể giữ các cương vị lãnh đạo cấp cao. Đây là thành quả đạt được sau nhiều thập kỷ kiên trì kêu gọi và vận động của các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ ở quốc gia giàu dầu mỏ này.
Dư luận cũng như truyền thông Trung Đông ngày 3/8 đã bày tỏ hoan nghênh và đánh giá tích cực về việc làm này của chính quyền Kuwait, cho rằng đây là động thái hướng tới sự tiến bộ về bình đẳng giới, vì quyền lợi chính đáng của phụ nữ Kuwait nói riêng và phụ nữ vùng Vịnh nói chung.
Việc trao các quyền chính trị đầy đủ và hợp pháp cho phụ nữ được giới quan sát đánh giá là sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị cho đến các dịch vụ xã hội… của nước này. Động thái này được cho là cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội dành cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội với nhiều công việc ở vị trí cao vốn trước đây chỉ dành cho nam giới.
Theo trang mạng Middle East Monitor, để có được các quyền về chính trị đầy đủ dành cho phụ nữ là cả một chặng đường dài ở quốc gia Trung Đông này. Phụ nữ Kuwait đã phải vượt qua nhiều rào cản cũng như khó khăn trở ngại để có được sự bình đẳng một cách toàn diện, một hiện tượng hiếm thấy ở khu vực bị chi phối bởi những người đàn ông quyền lực.
Tiến sỹ Rasha Al Sabah là một trong những người đi tiên phong. Bà đã giữ cương vị Thứ trưởng thứ nhất Bộ Giáo dục sau đại học Kuwait vào năm 1993. Tiếp đến phải kể đến bà Nabila Al Mulla khi bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Kuwait đầu tiên tại Zimbabwe và Nam Phi trong cùng năm đó.
Bà Mulla sau đó được bổ nhiệm làm Đại diện thường trực của Kuwait tại Liên hợp quốc vào năm 2003 và trở thành nữ Đại sứ của các nước Arab Hồi giáo đầu tiên tại tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Tiến trình này đã và đang tiếp tục diễn ra ở Kuwait, gần đây đã có ngày càng nhiều phụ nữ được bổ nhiệm vào các vị trí cao trong bộ máy chính quyền, đã có người giữ ghế bộ trưởng hoặc các cấp hàm tương đương.
Ở các trường đại học, cơ quan đại diện ngoại giao hay Quốc hội Kuwait đã có nhiều gương mặt nữ giới xuất chúng. Đây là một sự tiến bộ đáng ghi nhận và việc phụ nữ có đầy đủ các quyền chính trị có thể được coi là dấu mốc lịch sử đối với quốc gia Hồi giáo này.
Nguồn: dep.com.vn