Hãng tin Reuters ngày 1/10 đưa tin, tình trạng giá dầu thế giới sụt giảm đã thu hẹp nguồn thu ngân sách của Kuwait nên chính phủ nước này muốn tăng cường các dự án PPP.
Theo đó, các nhà đầu tư tư nhân cả trong nước và nước ngoài sẽ mua cổ phần, chịu một phần rủi ro và chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động của 9 dự án cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 36 tỷ USD (xây dựng nhà máy điện, nhà máy xử lý chất thải, nước thải, hệ thống tàu điện ngầm…) tại Kuwait trong 2 năm tới.
Kuwait đang kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước cho 9 dự án cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 36 tỷ USD.
Trước đây, Kuwait mới chỉ hoàn tất một thỏa thuận PPP. Các dự án khác bị trì hoãn hoặc hủy bỏ vì nhiều vấn đề như nạn quan liêu, cơ sở pháp lý không rõ ràng và bất đồng giữa nội các và quốc hội. Tuy nhiên, một luật mới về PPP có hiệu lực trong năm nay có thể giúp phá vỡ các bế tắc, giúp nhà đầu tư dễ dàng vay vốn hơn.
Ngày 13/10, Công ty Dầu khí quốc gia Kuwait đã ký kết một số hợp đồng có giá trị 13,2 tỷ USD với các công ty nước ngoài để xây dựng một nhà máy lọc dầu. Đây được xem là dự án lọc dầu lớn nhất tại quốc gia vùng Vịnh này. 10 công ty nước ngoài tham gia vào dự án trên gồm Tecnicas Reunidas của Tây Ban Nha, Sinopec của Trung Quốc, Hyundai, SK, Daewoo và Hanwha (đều của Hàn Quốc), Fluor (đặt trụ sở ở Vương quốc Anh), Saipem của Italy và Essar của Ấn Độ.
Cơ hội kinh doanh ở Kuwait đang mở ra cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Việt Nam nói riêng. Để đầu tư hiệu quả vào quốc gia Hồi giáo giàu có này, các doanh nhân cần tìm hiểu đôi điều về đặc điểm thị trường, cơ hội đầu tư, giao thương cũng như cân nhắc đến những điều cần lưu ý khi kinh doanh ở Kuwait:
Kuwait – quốc gia Hồi giáo giàu có tại Trung Đông
Kuwait là một quốc gia Hồi giáo giàu có tại Trung Đông. Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới, nền kinh tế Kuwait phụ thuộc chính vào ngành công nghiệp này.
Kuwait là một trong những nước có diện tích nhỏ nhất trên thế giới (17.818 km²) nhưng có vị trí chiến lược ở khu vực Trung Đông vì nằm ngay trung tâm Vịnh Péc-xích.
85% dân số Kuwait là người Hồi giáo. Do đó, ở Kuwait, Hồi giáo có nhiều chi phối đến cuộc sống cá nhân, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật.
Tài nguyên dầu mỏ đã biến Kuwait thành một trong những nước giàu có nhất trên bán đảo Ả Rập và là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất vùng Vịnh vào năm 1953. Sự lớn mạnh vượt bậc này đã thu hút nhiều lao động nhập cư và người nước ngoài.
Kuwait là một trong những nước có mức thuế nhập khẩu thấp nhất thế giới
Kuwait có chính sách kinh tế mở với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trừ xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trừ Israel. Là thành viên của Hội đồng Hợp tác các Quốc gia Vùng Vịnh (GCC), Kuwait có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận tự do hóa thương mại nội khối (hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước GCC được hưởng ưu đãi cao hơn hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước ngoài khối).
Hàng hóa nhập khẩu vào Kuwait từ các nước trên thế giới ngoài GCC thường chịu mức thuế nhập khẩu từ 0 – 5% CIF. Các mặt hàng nhập khẩu vào Kuwait được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% gồm: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, động thực vật tươi sống, vàng khối, hàng tiêu dùng thiết yếu, vật liệu in ấn, các sản phẩm công nông nghiệp có hàm lượng 40% giá trị sản xuất trong khối GCC, nguyên liệu thô / bán thành phẩm và thiết bị phụ tùng phục vụ các ngành sản xuất mới. Hàng nhập khẩu vào khối GCC chỉ chịu thuế một lần.
Kuwait không áp dụng các loại thuế đánh vào doanh thu cá nhân, doanh nghiệp (DN) khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, không đánh thuế VAT. Nhà nước chỉ đánh 15% thuế lợi tức đối với pháp nhân có yếu tố nước ngoài không thuộc quốc tịch khối GCC.
Trong kinh tế, giống như nhiều nước GCC khác, Kuwait áp dụng chế độ bảo lãnh (Sponsorship). Theo đó, các DN nước ngoài muốn hoạt động kinh doanh tại Kuwait phải được sự bảo trợ của các DN hoặc cá nhân có quốc tịch Kuwait. Trong những năm gần đây, Chính phủ Kuwait trong những nỗ lực cải cách, đổi mới kinh tế, đã xem xét nhằm bỏ chế độ bảo trợ được đánh giá là cản trở tự do kinh doanh, gây tăng chi phí, giảm cạnh tranh này.
Đặc điểm kinh tế đáng chú ý của Kuwait là kinh tế gia đình, nhiều DN mang tên “Bố và các người con” hoặc “Bader và những người anh em…”. Những DN hoặc nhóm DN này có sự liên kết rất chặt chẽ về vốn, quản trị và thường hỗ trợ nhau tích cực.
Nền kinh tế Kuwait có sự tham gia rất lớn của lực lượng lao động nước ngoài – những người chiếm 80% lực lượng lao động tại Kuwait và chủ yếu làm trong khu vực kinh tế tư nhân.
Các ngành kinh tế mũi nhọn của Kuwait
Theo tài liệu của CIA factbook, các ngành công nghiệp chính của Kuwait là dầu mỏ, hóa dầu, xi măng, đóng và sửa chữa tàu biển, khử muối cho nước, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, tài chính và ngân hàng.
Dầu lửa bắt đầu được Kuwait xuất khẩu từ năm 1946. Kuwait có trữ lượng khoảng 104 tỷ thùng (công bố của OPEC), chiếm khoảng 10% trữ lượng của thế giới.
Dầu khí đóng góp phần lớn ngân sách của nhà nước. Giá dầu tăng cao đem lại thặng dư cho nền kinh tế, phục vụ cho xây dựng công cộng và tăng lương cho người lao động.
Xuất khẩu dầu của Kuwait thay đổi dựa trên nhu cầu trong nước và quốc tế, giá cả và sản lượng được Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quy định (Kuwait là thành viên OPEC). Tuy nhiên, hạn mức do OPEC đưa ra rất khó thực hiện, Kuwait và các nước khác thường bị cáo buộc vi phạm những quy định này.
Những nét chính về thương mại Kuwait
Kuwait có chính sách thuế nhập khẩu từ 0 – 5%, việc miễn thuế được thực hiện trong khu Tự do thương mại (Kuwait Free Trade Zone). Quan hệ thương mại của Kuwait chủ yếu với Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và một số nước Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó các đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Anh, Trung Quốc, UAE, Arab Saudi, Ai Cập…
Mặt hàng nhập khẩu chính là các mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc… Mặt hàng xuất khẩu chính là dầu và các sản phẩm hóa dầu, phân bón.
Kuwait là thành viên của WTO từ tháng 1/1995, Thỏa thuận thương mại nội khối GCC, thỏa thuận thương mại với Singapore năm 2008 và ký EFTA với EU năm 2009 và một số thỏa thuận thương mại với các nước khác.
Theo quy định của pháp luật Kuwait, chỉ những DN có giấy phép nhập khẩu từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Kuwait (KCCI) hoặc giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công Thương Kuwait mới có quyền nhập khẩu.
Trên thực tế, DN Kuwait đều có thể dễ dàng đăng ký giấy phép này. Giấy phép phải được thay mới hàng năm. Có giấy phép nhập khẩu, doanh nhân có thể nhập khẩu không hạn chế chủng loại, số lượng, nguồn gốc, trừ một số hàng hóa đặc biệt như súng đạn, chất nổ, đồ uống có cồn, chất gây nghiện, đá quý… phải có giấy phép đặc biệt từ các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng.
Các hàng hóa nhập vào Kuwait phải đáp ứng yêu cầu về Halal – các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của đạo Hồi, ví dụ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ heo, hoặc vật liệu có cồn, văn hóa phẩm đồi trụy… đều bị cấm.
Các hàng hóa nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật Kuwait (KSS). Trường hợp không có tiêu chuẩn của KSS thì áp dụng tiêu chuẩn về hàng hóa đó được quy định trong tiêu chuẩn kỹ thuật của vùng Vịnh (GSS). Đây là tiêu chuẩn chung được áp dụng theo Thỏa thuận kinh tế thống nhất của các quốc gia GCC. Trường hợp GSS không quy định thì áp dụng các quy định quốc tế.
Một người Kuwait bản xứ cần 3 lao động làm thuê nước ngoài
Theo CIA factbook, mức sống của người dân Kuwait rất cao. Thu nhập GDP bình quân đầu người khoảng 42.200 USD/người/năm. Vì thế nhu cầu thuê lao động nước ngoài đặc biệt là lao động chân tay, nặng nhọc ngoài trời, giúp việc nhà là rất lớn. Theo thống kê, cứ 1 người dân Kuwait bản xứ cần 3 lao động làm thuê nước ngoài.
Người dân Kuwait hầu như không trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu làm công chức nhà nước hoặc làm việc trong các tổ chức xã hội, tôn giáo. Họ tham gia gián tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua Luật Bảo trợ của Kuwait. Như đã nói ở trên, người nước ngoài muốn sản xuất, kinh doanh trên đất Kuwait đều phải thông qua một hợp đồng với một người có quốc tịch Kuwait có đăng ký sản xuất, kinh doanh. Pháp nhân Kuwait này đứng tên trước pháp luật Kuwait để thương nhân nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh theo một tỷ lệ hoa hồng thoả thuận giữa đôi bên.
Người chủ pháp nhân Kuwait có thể không cần quan tâm đến việc sản xuất, kinh doanh, thuê mướn lao động nước ngoài… của DN nước ngoài mà họ đứng tên bảo trợ nếu như DN đó trả lệ phí hoa hồng đầy đủ, đúng hạn.
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Kuwait
Thị trường Kuwait nhỏ nhưng nhu cầu tiêu thụ lớn tính theo bình quân đầu người (gần như tất cả các loại hàng hóa đều được nhập khẩu), sự cạnh tranh gay gắt nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Kuwait không lớn. Việt Nam chủ yếu nhập từ Kuwait các mặt hàng xăng dầu, dầu DO, hóa chất, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất.
Những sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam đối với thị trường này: sản phẩm dệt may (quần áo, giày dép), hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, cà phê, linh kiện điện tử, điện thoại di động, rau củ, hạt tiêu, sản phẩm gốm sứ…
Năm 2013, Việt Nam xuất sang Kuwait 35 triệu USD, nhập 704 triệu USD. Năm 2014, xuất 72 triệu USD, nhập 618 triệu. 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu 59 triệu USD, nhập 115 triệu USD (do giá dầu giảm, Việt Nam ưu tiên nhập các nước ở gần).
Về đầu tư, từ năm 1979 đến nay, thông qua Quỹ Kuwait phát triển kinh tế Ả Rập (KFAED), Kuwait đã cho Việt Nam vay tổng cộng trên 142 triệu USD cho 10 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (công trình thuỷ lợi, đường giao thông nông thôn…).
Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait đã và đang tích cực hỗ trợ và làm cầu nối cho các đối tác Kuwait và Việt Nam đưa lao động lành nghề của Việt Nam đến Kuwait làm việc. Tuy nhiên do sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Philippine, Ai Cập…, các điều kiện về lao động như môi trường làm việc khắc nghiệt, chế độ lương không cao, cùng với sự thiếu chuyên nghiệp và chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam và Kuwait của nhiều công ty tuyển dụng lao động trong nước và các công ty tại Kuwait dẫn đến số lượng lao động của Việt Nam hiện có mặt ở thị trường này chưa nhiều (đến 30/6/2015 có khoảng 500 người).
Nguồn: doanhnhansaigon.vn