Trong số ra mới đây, tờ The Times Kuwait đã xuất bản một chuyên san đặc biệt về Việt Nam với tựa đề ‘Tiềm năng kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030’, được in bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Arab.
Chuyên san mở đầu bằng một bài viết đánh giá những kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam (2007-2017), các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương có biển của Việt Nam đã nỗ lực cụ thể hóa Chiến lược biển vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế một cách cụ thể và đạt hiệu quả cao.
Qua đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có khu vực Trung Đông và Kuwait đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, nhất là đầu tư phát triển kinh tế biển và dịch vụ logistics.
Cùng với những hình ảnh ấn tượng về các danh lam thắng cảnh, các thành phố ven biển nổi tiếng của Việt Nam, hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa… các bài viết trong chuyên san cũng đã viện dẫn một loạt những con số “biết nói” về những thành quả sau 10 thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Giới thiệu chuyên san đến đại biểu tham dự Hội thảo Tiềm năng du lịch Việt Nam và cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành Kuwait.
Cụ thể, 28 địa phương có biển đã thu hút khoảng 60 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế; tổng doanh thu toàn ngành du lịch năm 2017 ước đạt 22.6 tỷ USD, trong đó doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70%, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan như vận chuyển, thương mại, du lịch, dịch vụ, truyền thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế… góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đội tàu biển Việt Nam có tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN và thứ 30 trên thế giới; cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, thu hút khoảng 78.6 tỷ USD vốn đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 130.000 lao động; ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam hiện đạt loại khá trên thế giới, có hơn 500 cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…
Chuyên san cũng đã có những đánh giá tổng quan về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với các mục tiêu: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề và khu vực về biển và đại dương.
The Times Kuwait là một trong những tờ báo tuần tiếng Anh có lượng người đọc lớn nhất tại Kuwait; với hai phiên bản báo giấy và báo điện tử có thể cung cấp một nền tảng kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, bản chất tương tác cao và tính độc lập trong phong cách biên tập đã tạo nên sự thu hút của tờ báo đối với độc giả, nhất là những độc giả trí thức, giới Ngoại giao đoàn tại Kuwait.
Các bài báo đã nhấn mạnh việc Việt Nam đạt được những thành quả nổi bật này là nhờ sự ổn định chính trị và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam, với tầm nhìn chiến lược khi xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Cuối cùng, chuyên san đã có bài viết về thành tựu phát triển quan hệ kinh tế đầu tư song phương Việt Nam – Kuwait mà điểm sáng là dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với việc Kuwait đầu tư hơn 3,5 tỷ USD trên 9 tỷ USD tổng mức đầu tư toàn bộ nhà máy.
Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Đông Nam Á, có ý nghĩa quan trọng khi đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ tại khu kinh tế Nghi Sơn.
Tác giả bài báo cũng đã khuyến nghị chính phủ Kuwait sớm triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án với lượng vốn đầu tư tương đương giai đoạn 1 và cho biết Kuwait đang xem xét chủ trương đầu tư xây dựng kho dự trữ dầu thô tại Nghi Sơn với trị giá hơn 5 tỷ USD.
Chuyên san được lưu trữ tại thư viện KCCI
Trong bối cảnh quan hệ của Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông ngày càng phát triển, việc một tờ báo lớn tại Kuwait xuất bản chuyên san đặc biệt về Việt Nam, nhất là trước thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm.
Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait cũng đã tổ chức một cuộc Hội thảo quảng bá du lịch và khánh thành nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều này cho thấy dư luận quốc tế nói chung và các nhà đầu tư tại khu vực Trung Đông đang ngày càng quan tâm chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chuyên san đã được giới chuyên môn đánh giá cao, thu hút được sự quan tâm của người dân Kuwait và đại biểu tham dự Hội thảo mang tên “Tiềm năng du lịch Việt Nam và cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành Kuwait” được Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Kuwait tổ chức; đồng thời, ấn phẩm được lưu trữ trong “Góc Việt Nam” tại thư viện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Kuwait (KCCI).
Những điều trên cho thấy, chuyên san là cầu nối để Việt Nam quảng bá, truyền tải những tiềm năng, thế mạnh về biển và những chính sách mở cửa để thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trên thế giới trong đó có khu vực Trung Đông.
Nguồn: baomoi.com