Một số người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và siêu giàu sẵn sàng chi nhiều tiền để chuẩn bị nơi trú ẩn phòng khi ngày tận thế đến.
Tại bang South Dakota, một khu đất từng thuộc sở hữu quân đội đã chuyển mình thành khu trú ẩn tận thế Vivos xPoint với 575 hầm, có sức chứa lên đến 5.000 người. Theo Đài ABC, đây là dự án của Công ty Vivos. Mỗi hầm trú ẩn tận thế có giá dao động từ 25.000 USD (khoảng 580 triệu đồng) cho đến hàng triệu USD tùy theo thiết kế và nội thất, tiện nghi bên trong.
Mỗi hầm có diện tích khoảng 200 m2 trở lên, tùy yêu cầu của khách hàng và được xây dựng với bức tường bê tông cốt thép vững chắc, chịu được động đất, bom nguyên tử và cả thiên thạch va chạm vào trái đất, theo quảng cáo của Vivos. Đơn cử, một căn hầm cao cấp với diện tích 560 m2 có 3 phòng ngủ, 2 nhà tắm cùng nội thất cao cấp có giá khoảng 3 triệu USD.
Nhiều khách hàng của Vivos chỉ quan tâm độ an toàn cấu trúc trong khi số khác chăm chú vào tiện nghi. “Hầm cao cấp của giới siêu giàu có diện tích bằng cả một siêu thị, bao gồm cả hồ bơi, thác nhân tạo, vườn trồng rau, phòng tập gym, trường bắn nhỏ, spa và đủ thứ tiện nghi khác”, nhà sáng lập Công ty Vivos, ông Robert Vicino, cho hay. Theo ông Vicino, chủ nhân của các căn hầm này đều trang bị vũ khí nên “bất kỳ ai có suy nghĩ đột nhập vào là một sai lầm lớn”. Công ty Vivos đã xây dựng tổng cộng 3 dự án khu trú ẩn tận thế ở khắp nước Mỹ trong vòng 10 năm qua, theo CNN. “Không chỉ riêng ở Mỹ, nhiều khách hàng ở Đức, Hàn Quốc và Úc đã đặt hàng cho chúng tôi”, ông Vicino cho hay.
Một số người đã dọn đến ở tại hầm trú ẩn tận thế. Chẳng hạn, kỹ sư Milton Torres (42 tuổi) đã quyết định tới sống trong căn hầm rộng 200 m2 (giá 25.000 USD) ở South Dakota vào năm 2018. “Thế giới không ngừng thay đổi. Tôi thậm chí không còn nhận ra cái gì thật – giả. Mọi người tin rằng chính phủ sẽ giải cứu người dân? Nếu quý vị nghĩ như vậy thì chúc may mắn”, ông Torres nói.
Các chuyên gia nhận định ông Torres chỉ là một trong số ngày càng nhiều người Mỹ lo ngại hoặc chuẩn bị sẵn sàng cho sự sụp đổ kinh tế, xã hội và môi trường, theo CNBC. Nhà nhân chủng học Chad Huddleston thuộc Đại học South Illinois cho hay trước đây hầm trú tận thế chỉ được biết đến với giới siêu giàu. “Tuy nhiên, thời nay ý tưởng chuẩn bị ứng phó tận thế lan rộng sang tầng lớp trung lưu có công việc tốt với mức lương cao. Họ muốn nâng cao chất lượng cuộc sống”, theo ông Huddleston.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Huddleston cũng nói rằng nhu cầu đối với hầm trú ẩn tận thế gia tăng có thể xuất phát từ bão Katrina hồi năm 2005. “Kể từ sự kiện đó, nhiều người thay đổi nhận thức về nguy cơ hứng chịu thảm họa nghiêm trọng thường xuyên do biến đổi khí hậu. Họ nghĩ rằng chính phủ sẽ không thể giúp ích gì nếu thảm họa ập đến. Còn sau bão Harvey năm 2017, đến nay nhiều người vẫn còn trong tình trạng không có nhà ở”, tiến sĩ Huddleston lý giải. Trong khi đó, ông Gary Lynch, chủ Công ty Rising S Bunkers ở bang Texas, cho rằng 99,5% khách hàng của ông muốn xây dựng hầm trú ẩn không chỉ đơn giản vì sợ thảm họa mà do tình hình chính trị. “Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, doanh thu từ bán hầm trú ẩn tận thế tăng 700% với nhiều khách hàng lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân với CHDCND Triều Tiên”, ông Lynch nói. Rising S Bunkers đã nhận hợp đồng xây hầm trú ẩn tận thế tại nhiều địa điểm bí mật khắp thế giới với giá 39.500 – 14 triệu USD/căn.
Nói là nơi trú ẩn tận thế nhưng một số khách hàng cũng mua hầm để nghỉ dưỡng cuối tuần, hưởng thụ tuổi già sau khi về hưu hoặc để con cháu thừa hưởng.