Quốc hội Kuwait đã bị giải tán để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới nhằm đối phó với những thách thức về kinh tế và an ninh, trong đó một trong những thách thức lớn nhất là suy giảm kinh tế do giá dầu lao dốc.
Quốc hội Kuwait đã bị giải tán để đối phó với những thách thức về nền kinh tế và an ninh
Ngày 16-10, Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad Al-Sabah đã ra sắc lệnh giải tán Quốc hội. Quyết định này được đưa ra chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi Chủ tịch Quốc hội Kuwait Marzouk al-Ghanem kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức an ninh và kinh tế.
Kể từ năm 2006, Quốc hội Kuwait đã nhiều lần bị giải tán do bất đồng về thủ tục hoặc để phản đối Chính phủ, nơi các chức vụ hàng đầu thường nằm trong tay các thành viên của một gia đình. Tuy nhiên, khác với những lần bị giải tán trước đó, Quốc hội Kuwait bị giải tán ngày 16-10 bên cạnh những lý do mâu thuẫn và tranh giành quyền lực, còn có nguyên nhân về các thách thức kinh tế và chính trị mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Kuwait vốn là một trong những quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông do được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn “vàng đen” quý giá với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 6 toàn cầu, trong khi chỉ có số dân 3 triệu người trên diện tích gần 18.000km2. Thế nhưng, việc sống sung túc quá lâu dựa trên những mỏ dầu đã khiến kinh tế Kuwait khốn đốn, mất phương hướng khi giá dầu suy giảm mạnh trong thời gian dài.
Giá dầu giảm khoảng 60% từ giữa năm 2014 đã khiến ngân sách quốc gia của Kuwait tài khóa 2015-2016 thâm thủng tới 18,3 tỷ USD và đây cũng là năm đầu tiên ngân sách của quốc gia Ả-rập Trung Đông này bị thâm hụt sau 16 năm đạt thặng dư ngân sách lớn do giá dầu cao. Dự đoán, thâm hụt ngân sách của Kuwat trong tài khóa 2016-2017 còn lên tới 29 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách quá lớn một cách đột ngột, tới khoảng 1/3 tổng GDP đã khiến kinh tế Kuwait lao đao, phải cắt giảm nhiều chương trình, trợ cấp xã hội, đồng thời tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Ngay từ tháng 1-2015, Kuwait đã phải thả nổi giá dầu hỏa và dầu diesel. Đầu tháng 8 vừa qua, Kuwait – thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định tăng giá xăng hơn 80% kể từ tháng 9-2017 như một phần của kế hoạch cải cách kinh tế nhằm đối phó với tình trạng giảm nguồn thu từ dầu mỏ.
Khó khăn kinh tế vì giá dầu thế giới giảm sâu đúng vào thời điểm Kuwait đang phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi nhóm khủng bố này không chỉ quyên góp tài trợ, tuyển tay súng mà còn tiến hành nhiều âm mưu khủng bố tại nước này. Nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh, Quốc hội Kuwait hồi đầu năm 2016 đã phải thông qua gói ngân sách quốc phòng bổ sung 10 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để nâng cấp sức mạnh quân sự trong bối cảnh những mối quan ngại an ninh gia tăng tại khu vực liên quan đến sự trỗi dậy của IS và các cuộc xung đột sắc tộc.
Quốc hội mới cùng Chính phủ mới của Kuwait sẽ ra đời sau cuộc bầu cử trước thời hạn phải được tổ chức trong vòng 2 tháng sau quyết định giải tán Quốc hội nước này, theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, cơ quan quyền lực mới này có giải quyết được những thách thức lớn về kinh tế và an ninh hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
Nguồn: anninhthudo.vn