Kuwait- quốc gia giàu có ở Trung Đông thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (khối GCC) được xem là một thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam đồng thời cũng chính là một cánh cửa mở cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào thị trường GCC.
Kuwait- quốc gia giàu có ở Trung Đông
Ông Abdulrahman Alothaina, Bí thư thứ ba- Tổng lãnh sự quán Kuwait tại TP.HCM cho biết thị trường Kuwait là thị trường không lớn song có độ mở rất cao. Đặc biệt quốc gia này có mối quan hệ mật thiết với thị trường các quốc gia thuộc khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), thuế nhập khẩu từ 0 – 5%.
Riêng Việt Nam đối với các nước Trung Đông nói chung và Kuwait nói riêng cũng không còn xa lạ. Cách đây 5- 10 năm, các tập đoàn danh tiếng khu vực Trung Đông đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, dầu khí tại Việt Nam như Nakheel, Tập đoàn đầu tư Dubai ICD của UAE, Tập đoàn United Development Company PSC của Qatar đã tìm hiểu môi trường kinh doanh và đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án bất động sản, công trình giao thông tại Việt Nam.
Đặc biệt trên lĩnh vực dầu khí, Tập đoàn dầu khí quốc tế Kuwait đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án này đang được triển khai đúng tiến độ, dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại vào giữa năm 2017. Đây cũng được xem là mô hình đầu tư điển hình của Kuwait vào Việt Nam. Các tập đoàn này đều đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và cho rằng những dự án này sẽ mang lại cho họ những khoản lợi nhuận không nhỏ.
Giá trị trao đổi thương mại giữa Kuwait và Việt Nam
Giá trị trao đổi thương mại giữa Kuwait và Việt Nam đạt khoảng 740 triệu USD trong năm 2013. Dự kiến giá trị này có thể vượt qua 1 tỉ USD trong vài năm tới. Ngoài lĩnh vực năng lượng và thương mại, Kuwait còn là thị trường lớn, hấp dẫn, tiềm năng đối với lao động và các loại vật liệu xây dựng của Việt Nam. Hiện nay và trong thời gian tới Kuwait đang triển khai hàng loạt các dự án lớn về xây dựng dân dụng, công nghiệp dầu khí. Vì thế các DN và các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, vật liệu xây dựng, dầu khí, có kế hoạch bài bản, dài hạn để tiếp cận và có chỗ đứng tại thị trường này.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và tăng trưởng, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư khu vực Trung Đông nói chung và các nhà đầu tư Kuwait nói riêng – ông Abdulrahman Alothaina nhấn mạnh.
Ở phương diện vĩ mô, đến nay lãnh đạo hai nước đã trao đổi về các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban Liên Chính phủ hai nước; thúc đẩy thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như đầu tư, dầu khí, thương mại, du lịch; tiếp tục phối hợp và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế…
Bên cạnh đó, Kuwait kêu gọi các DN Việt Nam thăm dò thị trường Kuwait, góp phần phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Do đây là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, thường hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn châu Âu mới dễ được chấp nhận ở đây. Ông Abdulrahman Alothaina lưu ý các DN Việt Nam khi thâm nhập thị trường Kuwait cần chú ý đến các quy định của đạo Hồi, chất lượng, quy cách hàng hóa phải tuân thủ về nguồn gốc như không rượu, không thịt lợn…
Nguồn: dautunuocngoai.gov.vn