Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày Độc lập, 27 năm Ngày Giải phóng Nhà nước Kuwait, và nhân dịp Nhà nước Kuwait được giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng 2/2018, phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có buổi trao đổi với Ông Khaled Falah Al-Mutairi – Tổng Lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh về những thành tựu đạt được trong quan hệ song phương, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, sau 42 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển trong mối quan hệ song phương giữa Kuwait và Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao?
Nhà nước Kuwait và Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1976. Kuwait cũng là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước các bạn và kể từ đó, quan hệ song phương giữa hai nước đã không ngừng được phát triển và tiếp tục đạt được những tiến bộ và phát triển ở các cấp. Chúng tôi tự hào rằng Kuwait là quốc gia đầu tiên ở khu vực vùng Vịnh mà Việt Nam đã thành lập Đại sứ quán vào năm 2003.
Nhà nước Kuwait cũng mở Đại sứ quán tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2007. Tháng 5/2016, Thủ tướng Kuwait Sheikh Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sau chuyến thăm, một số thỏa thuận thương mại và Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa hai nước đã được ký kết. Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng sẽ sớm có chuyến thăm Kuwait nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai đất nước chúng ta.
Tôi nhận thấy rằng các chuyến thăm lẫn nhau sẽ góp phần thúc đẩy cũng như khởi động và theo dõi việc thực hiện các thỏa thuận đã được ký kết, từ đó góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ song phương và tiến trình nhằm đạt được các mục tiêu xây dựng đối tác kinh tế chiến lược giữa hai nước.
Xin ông chia sẻ thêm những thông tin cập nhật về quan hệ thương mại song phương giữa Nhà nước Kuwait và Việt Nam trong năm 2017?
Trong năm 2017, thương mại hai chiều giữa Kuwait và Việt Nam đạt trên 350 triệu đôla Mỹ, tăng gần gấp đôi so với con số 184 triệu đôla Mỹ trong năm 2016. Các sản phẩm xuất khẩu chính từ Việt Nam bao gồm dệt may, hải sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, rau quả, máy tính, giày dép… Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Kuwait các sản phẩm như phân bón, hóa chất, nguyên liệu nhựa, dầu khí…
Việt Nam và Kuwait đang dần trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực dầu khí, tiêu biểu là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, và còn nhiều tiềm năng hợp tác về lâu dài trên cơ sở lợi ích song phương. Vào tháng 10/2017, Trạm xăng dầu Idemitsu Q8 – liên doanh giữa Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) và Công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản đã khai trương tại Việt Nam. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng điều này sẽ góp phần gia tăng trao đổi thương mại song phương giữa Kuwait và Việt Nam trong những năm sắp tới nhằm đạt được mục tiêu 2 tỷ đôla Mỹ vào năm 2020 như Chính phủ hai nước đặt ra.
Theo ông, đâu là những nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước trong năm 2018 và những năm tiếp theo?
Tôi cho rằng cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ thương mại giữa Kuwait và Việt Nam trong những năm tới đó là thông qua việc tổ chức các hội chợ và triển lãm thương mại tại mỗi nước, trao đổi đoàn thương mại cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tôi thực sự trông đợi các công ty lớn của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có thể cùng nhau tổ chức các cuộc triển lãm và tham gia vào các dự án phát triển tại Kuwait.
Tổng lãnh sự quán Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục nỗ lực làm cầu nối để mở ra các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Đặc biệt, Kuwait là một thị trường rộng và có các dự án phát triển lớn. Do vậy, chúng tôi có nhu cầu hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Những lĩnh vực nào tại Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư Kuwait trong những năm tới? Và ngành nào tại Kuwait sẽ thích hợp cho các nhà đầu tư Việt Nam, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa lĩnh vực kinh tế tư nhân của hai nước. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Kuwait đang rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các phòng thương mại, đặc biệt là Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Chúng tôi mong đợi sự hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như dầu khí, khách sạn và du lịch, bất động sản.
Các công ty của Việt Nam luôn được chào đón tới Kuwait để thực hiện các hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi cũng muốn mời tất cả các doanh nhân và công ty của Việt Nam đầu tư vào các dự án phát triển khác nhau tại Kuwait, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…. Tôi chắc chắn rằng, hoạt động đầu tư của các bạn sẽ góp phần thúc đẩy thương mại song phương và củng cố quan hệ thương mại giữa hai đất nước chúng ta trong thời gian tới.
Quỹ Kuwait về Phát triển Kinh tế Ả rập (KFAED) đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thông (như các công trình tưới tiêu, đường xá). Ông có thể chia sẻ những kết quả đạt được từ sự hợp tác này?
KFAED được thành lập từ lâu và là tổ chức đầu tiên ở khu vực Trung Đông có vai trò tích cực trong các nỗ lực phát triển quốc tế và được xem là cầu nối vững chắc của tình hữu nghị và đoàn kết giữa Nhà nước Kuwait với các nước đang phát triển, là một phần trong việc triển khai các chính sách đối ngoại của Kuwait. Quỹ cung cấp nguồn tài chính nhằm hỗ trợ cho các dự án phát triển, chi phí nghiên cứu tiền khả thi của các dự án cũng như đào tạo nhân lực cho các nước đi vay.
Trong nhiều năm qua, chính xác là kể từ năm 1979, thông qua KFAED, Kuwait đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay ODA ưu đãi nhằm hỗ trợ tài chính cho 15 dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn và miền núi, những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 182 triệu đôla Mỹ. Gần đây nhất vào tháng 12/2017, KFAED đã cung cấp khoản vay trị giá khoảng 9,52 triệu đôla Mỹ (tương đương với 2,8 triệu Dinar Kuwait) nhằm hỗ trợ tài chính cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển nhằm đối phó với biến đổi khí hậu tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình ở miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi tin rằng những khoản vay ODA ưu đãi sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời giúp cải thiện chất lượng sống của người dân ở những vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đô thị với nông thôn, miền núi tại Việt Nam.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, lãnh đạo của Nhà nước Kuwait luôn quan tâm theo dõi sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh – một trung tâm kinh tế đầy hứa hẹn. Tôi cảm thấy rất hài lòng vì sự hợp tác kinh tế giữa hai bên và sẽ nỗ lực tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác mới nhằm xây dựng đối tác chiến lược về kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai đất nước chúng ta.